Quy hoạch phát triển Thành phố mới Bình Dương ( Phần 2)

Quy hoạch phát triển Thành phố mới Bình Dương ( Phần 2)Một góc thành phố mới Bình Dương.

Sau hơn 20 năm phát triển hạ tầng công nghiệp, kinh tế, xã hội Bình Dương vẫn trên đà phát triển mạnh mẽ. Trước xu hướng toàn cầu hóa và những thách thức từ lĩnh vực kinh tế đặt ra, tỉnh Bình Dương xác định cần đi trước một bước và chuẩn bị tốt về mặt công nghệ, hạ tầng để duy trì lợi thế cạnh tranh nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế và đời sống.

Dấu ấn thành phố thông minh

Tiếp bước thành công của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương (TPTM) với mong muốn là bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, tỉnh Bình Dương đang phát triển đề án Vùng đổi mới sáng tạo, đề án là một giải pháp liên ngành, nhiều lớp, đi vào những yếu tố nền tảng, có tính chất cốt lõi, từ quy hoạch đô thị theo mô hình TOD, đến tiếp tục phát huy văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0 và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Học hỏi từ mô hình của Eindhoven (Hà Lan), tỉnh Bình Dương tiếp cận ý tưởng về TPTM với góc nhìn là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo và kết nối; trong đó tất cả các yếu tố không ngừng được cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa. Sau gần bốn năm thực hiện, Đề án TPTM Bình Dương ra đời từ năm 2016 đã đạt được những kết quả nhất định; điển hình đó là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, hai năm liền 2019 và 2020, Bình Dương đã được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển TPTM trên toàn cầu; đồng thời, được chọn là nơi đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis trong hai năm 2018-2019. Điều này một lần nữa khẳng định, cách tiếp cận của Bình Dương trong việc thực hiện Đề án TPTM là hoàn toàn đúng đắn.

Mặt khác, cũng từ 2014, 2015, với sự hội tụ của các công nghệ, các quốc gia trên toàn thế giới đều chung nhận thức về một cuộc cách mạng công nghiệp đã thực sự bắt đầu, các quốc gia như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ… đã và đang thực hiện những nỗ lực lớn ở tầm quốc gia để giành lấy lợi thế trong cuộc đua phát triển kinh tế số. Các chính phủ đã đưa ra những chính sách đòn bẩy về phát triển công nghiệp 4.0, đồng thời đầu tư rất lớn vào các vùng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành có tiềm năng trong thời kỳ kinh tế số. Các vùng đổi mới sáng tạo, công viên khoa học công nghệ (Areas of Innovation, Innopolis, Innovation Region…) được xây dựng và trở thành những cụm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và năng lực cạnh tranh của vùng cũng như của quốc gia.

Quy hoạch phát triển Thành phố mới Bình Dương ( Phần 2)
 Cuộc sống thường nhật tại thành phố mới Bình Dương. 

Đây là những nơi đóng vai trò khuyến khích sự hợp tác giữa các trường đại học, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và các công ty lớn nhỏ, cung cấp một phương tiện để giúp chuyển đổi ý tưởng mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào đời sống thực tế. Theo đó, mô hình các vùng đổi mới sáng tạo, các công viên nghiên cứu đã được chứng minh là những công cụ thành công để cho ra đời các công ty mới, các phương tiện sản xuất mới, lĩnh vực kinh doanh mới, từ đó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng phát triển bền vững cho khu vực kinh tế chung quanh.

Từ những kết quả đáng khích lệ của Đề án TPTM và những phân tích, nhận định, nghiên cứu về các xu hướng vận động của kinh tế và đặc biệt là kinh tế số trên toàn cầu như trên, để tiếp nối và mở rộng hơn nữa Đề án TPTM, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) đã nghiên cứu đề xuất đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương – Binh Duong Innovation Region” tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. Đề án là một giải pháp liên ngành, nhiều lớp, có liên quan và tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ quy hoạch đô thị, đến xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực. Nội dung của đề án được đúc kết từ thực tiễn, thông qua quá trình phát triển và xây dựng các dự án tại Trung tâm Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương – thành phố mới Bình Dương, TP Thủ Dầu Một.

Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được quy hoạch lấy trung tâm là thành phố mới Bình Dương – thành phố Thủ Dầu Một, mở rộng ra hai thành phố là Dĩ An và Thuận An, đây là khu vực đô thị lâu đời với thương mại, dịch vụ đã phát triển, là trung tâm kinh tế, chính trị và xã hội của tỉnh. Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương với năm phân khu chính là: Trung tâm Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương: là thành phố mới Bình Dương – thành phố Thủ Dầu Một; vùng phát triển khoa học công nghệ Bàu Bàng, được định vị là cụm vệ tinh về phát triển khoa học công nghệ của vùng trung tâm với nòng cốt là khu công nghiệp hhoa học công nghệ (KCN KHCN) đầu tiên; ngoài ra bao quanh là các KCN hiện hữu như KCN Bàu Bàng, KCN Bàu Bàng mở rộng, KCN Cây Trường và KCN Lai Hưng. Bên cạnh hai phân khu chính phát triển về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sẽ là các vùng công nghiệp đã phát triển bao gồm: Vùng phát triển công nghiệp Thuận An – Dĩ An, Vùng phát triển công nghiệp Bến Cát và Vùng phát triển công nghiệp Tân Uyên. Đây là các vùng công nghiệp đã hiện hữu, chạy dọc theo các tuyến đường huyết mạch kết nối liên vùng như Quốc lộ 13, Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng, hay các tuyến đường tạo lực trong tỉnh như DT743,…

Xứng tầm là trung tâm Vùng đổi mới sáng tạo

Trung tâm Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được quy hoạch là thành phố mới Bình Dương – thành phố Thủ Dầu Một. Được thành lập vào năm 2010, thành phố mới Bình Dương với định vị từ đầu là thành phố của khoa học và giáo dục, là cửa ngõ kết nối quốc tế và giao lưu thương mại, dịch vụ cũng như trao đổi, chuyển giao công nghệ ở trình độ khoa học tiên tiến nhất; là nơi hội tụ, thu hút trí tuệ và phát triển công nghệ. Tại thành phố mới Bình Dương với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, quy hoạch đồng bộ, các dự án thành phần đã đầu tư xây dựng như Trung tâm hành chính tập trung; Trung tâm hội nghị – triển lãm; Trung tâm thể thao đạt chuẩn quốc tế đang tạo dấu ấn tích cực trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, các khu đô thị; các thiết chế văn hóa tâm linh, tín ngưỡng hình thành và đi và hoạt động tạo sôi động cho thành phố mới Bình Dương.

Tại thành phố mới Bình Dương, hệ thống giáo dục cũng đang phát triển mạnh mẽ với các Trường: THPT Chuyên Nguyễn Khuyến, Quốc tế KinderWorld – Singapore, Đại học Việt Đức… Ở đây, Becamex IDC đã đầu tư Trường đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) vào năm 2010; hiện EIU đã tuyển sinh được chín khóa và có bảy chương trình đào tạo đại học đang tuyển sinh. Tầm nhìn đến năm 2030, EIU định hướng trở thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực được kiểm định, xếp hạng quốc tế; và là một trung tâm văn hóa, một trung tâm nghiên cứu ứng dụng – chuyển giao công nghệ hàng đầu của Việt Nam.

Quy hoạch phát triển Thành phố mới Bình Dương ( Phần 2)
 Những dự án thành phần đang đẩy nhanh tiến độ tại thành phố mới Bình Dương làm tiền đề phát triển cho Vùng đổi mới sáng tạo. 

EIU vận hành theo mô hình nhiều đại học trong một đại học, đào tạo sinh viên theo hướng nghiên cứu – ứng dụng, giỏi cả chuyên môn và ngoại ngữ; đào tạo theo nhu cầu phát triển của thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. EIU cũng là một công trình chiến lược, với kỳ vọng sẽ là trung tâm cho việc thu hút tri thức và khoa học, là ngọn cờ đầu trong việc hiện thực hóa chiến lược “TPM Bình Dương – thành phố của khoa học, giáo dục và thương mại dịch vụ chất lượng cao”. Tạo nền tảng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo tại thành phố mới Bình Dương là một chiến lược được ưu tiên trong những năm qua, trong khuôn viên EIU, phòng thí nghiệm chế tạo (Fablabs) và Techlabs, vườn ươm doanh nghiệp Becamex – Becamex Business Incubator được hình thành, hiện đang chuẩn bị hoàn thành phòng thí nghiệm Nghiên cứu công nghệ 4.0. Đây là nơi thu hút, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm, nhu cầu xã hội mới.

Qua 10 năm hình thành và phát triển, thành phố mới Bình Dương đã tích lũy được một nền tảng vững chắc trên nhiều mặt, từ đó đúc kết ra được những mô hình phát triển liên ngành, và được đúc kết trong đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương – Bình Dương Innovation Region. Bên cạnh những công trình, dự án hiện hữu, nổi bật tại thành phố mới Bình Dương là quy hoạch giao thông đô thị ứng dụng mô hình TOD – xây dựng chuỗi đô thị dọc theo tuyến giao thông công cộng, Becamex IDC đã chú trọng rất sâu vấn đề quy hoạch thành phố gắn liền với hệ thống giao thông công cộng, tính toán đến dư địa phát triển trong tương lai.

Nhờ vậy, thành phố mới Bình Dương sẽ là một điểm trung tâm để kết nối các phân khu trong Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, cũng như kết nối với các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nơi đây đang đề xuất thực hiện các dự án buýt nhanh BRT gắn liền với ga Suối Tiên trong hệ thống Metro của TP Hồ Chí Minh, các dự án cải tạo cảnh quan đường Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng, mở rộng quốc lộ 13; ngoài ra hệ thống quy hoạch đô thị gắn liền với hệ thống giao thông công cộng theo mô hình TOD, là những dự án nòng cốt phục vụ kết nối trong nội vùng, cũng như ra ngoài các tỉnh bạn.

Để phát triển kinh tế cân bằng, thu hẹp khoảng cách về tỷ trọng kinh tế giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương, Becamex IDC đã tiến hành xây dựng TTTM Thế giới tại thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC). Trung tâm là thành viên của Hiệp hội các Trung tâm thương mại thế giới (WTCA). Việc này là một dấu ấn lớn, kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn nền tảng dịch vụ và cách thức Bình Dương kết nối với thế giới. WTC BDNC là một khu phức hợp đa chức năng, bao gồm: trung tâm mua sắm, phố đi bộ, không gian văn phòng, nhà hàng khách sạn, quảng trường trung tâm, trung tâm hội nghị triển lãm, nhà ga kết nối đến TP Hồ Chí Minh và toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đây sẽ là một điểm đến mới cho các ngân hàng, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư thương mại, nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, quy tụ về đây để trao đổi và tìm kiếm các cơ hội đầu tư và hợp tác. Việc xây dựng WTC BDNC kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cho các nhà đầu tư dịch vụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Bình Dương từng bước học hỏi, thay đổi và chuẩn hóa quy trình hoạt động, tiến gần hơn tới tiêu chuẩn của thế giới, từng bước kết nối vào dòng chảy thương mại toàn cầu.

Từ năm năm trở lại đây, nhận thức được dòng chảy của công nghệ và vai trò ngày càng lớn của kinh tế số, và đặc biệt theo tinh thần của Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về việc tận dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0 trong việc phát triển kinh tế xã hội, Becamex IDC đã cho tiến hành đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng công nghệ, như những Data Center lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế tại VNTT, đơn vị thành viên của Becamex IDC, những phòng lab thực hành về công nghệ 4.0, dây chuyền sản xuất mẫu với sự hợp tác từ các hãng công nghệ lớn như FESTO, Bosch… tại Đại học Quốc tế Miền Đông.

Đồng thời, Becamex IDC cũng xây dựng những trung tâm xuất sắc ngành dọc, điển hình là Trung tâm Sản xuất Thông minh và Phát triển công nghệ 4.0, là nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ về làm việc, thu hút các giáo sư, tiến sỹ trong và ngoài nước, các hãng công nghệ thiết lập những dự án chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, thông qua BW Industrial, một liên doanh của Becamex IDC với quỹ đầu tư Warburg Pincus (Mỹ), Becamex IDC đang tập trung phát triển hệ sinh thái logistics cho thương mại điện tử tại thành phố mới Bình Dương. Đây là một bước đi chiến lược, để từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế số mà cụ thể là thương mại điện tử tại trung tâm Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.

Dưới góc nhìn của chuyên gia về Vùng thông minh Bình Dương, bà Vương Phan Liên Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty ENCITY, đơn vị tư vấn Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, cho rằng: “Tỉnh Bình Dương có kinh nghiệm và rất thành công trong phát triển các KCN theo hình thức tập trung. Qua những điều kiện từ thực tế, cũng như thành phố mới Bình Dương cho thấy, tỉnh rất có triển vọng để phát triển, hiện thực hóa Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC cho rằng: Thành phố mới Bình Dương là trung tâm Vùng đổi mới sáng tạo sẽ giúp tỉnh xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, giúp tỉnh tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới … Từ đó, một mặt giúp nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới; mặt khác, giúp phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội, tăng dần tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế Bình Dương, giúp tỉnh có một nền tảng vững chắc tiến vào kỷ nguyên số.

Tại Hội nghị nghe báo cáo các nội dung về Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương vừa diễn ra mới đây, đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh, Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương là bước đi tiếp theo của Đề án xây dựng TPTM Bình Dương. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy thúc đẩy và xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững, là nền tảng để xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, vùng đổi mới sáng tạo. Với tiềm năng và thực lực hiện tại của tỉnh, đặc biệt là từ những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh thời gian qua, Bình Dương hoàn toàn có thể hướng tới và phấn đấu tiến thêm một bước nữa, đó là xây dựng thành công Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.