Muốn trị cò đất, phải chấn chỉnh quản lý

Việc cò đất, đầu nậu “thổi giá” đất nền trong thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản ở nhiều địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Đây là câu chuyện muôn thủa nhiều năm nay và vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Đã có ý kiến cho rằng để trị cò đất, nhất thiết phải xử lý hình sự. Luồng ý kiến này cho rằng nếu xác định được cò đất nào tung tin thất thiệt và có dấu hiệu lừa đảo thì cần phải xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS. Tuy nhiên, đối với hành vi quảng cáo gian dối thì phải thỏa mãn điều kiện là gây hậu quả nghiêm trọng thì mới xử lý được.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng rất khó để xử lý hành vi thổi giá bất động sản. Bởi lẽ bất động sản cũng được xem như một sản phẩm, có người mua thì có người bán.

Giá cả do hai bên tự thỏa thuận theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Nếu người mua cảm thấy giá người bán đưa ra quá đắt thì họ có quyền không mua, đâu ai ép họ được. Không thể cứ thấy có hiện tượng loạn giá đất đai, vượt tầm quản lý của Nhà nước là lại đòi phải xử lý hình sự người thổi giá.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trước khi “đổ lỗi” cho cò đất, đầu nậu làm loạn giá nhà đất, cơ quan quản lý liên quan cần xem lại gốc vấn đề, xem lại trách nhiệm của chính mình. Cò đất có thể thổi giá, thổi phồng thông tin về hạ tầng, về các tiện ích là bởi vì thông tin quy hoạch, thông tin giá nhà đất lâu nay rất ít được công khai, người dân khó lòng tiếp cận.

Do vậy, thay vì tìm cách xử lý cò đất, giải pháp để ổn định thị trường bất động sản hiện nay là các địa phương, các quận, huyện phải công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về quy hoạch sử dụng đất.

Địa phương phải quyết liệt loại bỏ các dự án treo nhiều năm không thực hiện, đồng thời cần xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có hành vi giúp sức cho cò đất trong việc phân lô bán nền trái phép. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về pháp luật đất đai, cảnh báo người dân về những rủi ro khi đầu tư theo hiệu ứng đám đông…

Cái “gốc” là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu quản lý tốt, công khai, minh bạch quy hoạch… thì thị trường bất động sản mới hy vọng phát triển ổn định. Khi đó cò đất, đầu nậu tự nhiên sẽ hết đất làm ăn bất chính.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.