Quy hoạch đô thị, giao thông, đổi mới sáng tạo, công nghiệp, nguồn nhân lực là những yếu tố cốt lõi trong xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
Theo UBND Bình Dương, tỉnh sẽ tiếp tục kết hợp với thành phố Eindhoven (Hà Lan), tổ chức Brainport, EIPO, triển khai “Đề án Thành phố thông minh”. Đây được xem là động lực quan trọng để địa phương khôi phục sau làn sóng Covid-19 vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex cho biết, một trong những nội dung trọng tâm của đề án là quy hoạch vùng đổi mới sáng tạo để đưa tỉnh vươn cao hơn nữa trên trường quốc tế, gia nhập các hiệp hội uy tín trên thế giới. Tất cả sẽ phát triển dựa vào mô hình hợp tác chặt chẽ giữa các bên, tập trung triển khai mô hình 5 lớp.
Lớp thứ nhất là quy hoạch đô thị và giao thông tập trung theo mô hình TOD – lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Becamex IDC chuẩn bị khởi công điểm TOD đầu tiên tại vòng xoang thành phố mới Bình Dương. Sau đó, nhiều TOD tiếp theo sẽ được phát triển dọc theo tuyến giao thông công cộng kết nối vào với hệ thống Metro Bến Thành – Suối Tiên.
Các dự án tiếp theo sẽ là cải tạo và nâng cấp quốc lộ 13 bằng việc xây dựng các cầu vượt, hầm chui, đường gom, đường song hành dọc theo tuyến để giải “bài toán” ùn tắc giao thông.
Lớp thứ hai, Bình Dương sẽ xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo lấy trường Đại học Quốc tế Miền Đông làm trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trường đại học này hiện có hơn 20 doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động với ý tưởng mới, ứng dụng vào thực tế cuộc sống.
Lớp thứ ba là thu hẹp khoảng cách giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp. Đây là yêu cầu cấp bách của Bình Dương trong giai đoạn mới, để phát triển kinh tế cân bằng. Tỉnh xây dựng trung tâm thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương – “cánh cửa” giúp tỉnh giao thương với 230 trung tâm thương mại thế giới trên toàn cầu.
Lớp thứ tư là phát triển công nghiệp. Bình Dương có nền tảng công nghiệp lớn vì vậy việc phát triển công nghệ, xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho cả khu vực công và khu vực tư rất phù hợp để phát triển công nghiệp 4.0.
Phát triển nguồn nhân lực là lớp quan trọng và quyết định sự thành công của mô hình 5 lớp. Bởi vậy tình xem chiến lược phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi trong việc triển khai và phát triển thành phố thông minh.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để đề án thành phố thông minh sớm trở thành hiện thực. Các dự án trọng điểm đang được tập trung triển khai như: khu công nghiệp khoa học công nghệ; trung tâm thương mại thế giới WTC; mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Tỉnh đang từng bước tổng hợp cơ sở dữ liệu của từng ngành, làm nền tảng xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh và vận hành trước tháng 6 năm sau.
Đề án “Thành phố thông minh” được Bình Dương khởi động từ năm 2016. Sau 5 năm phát triển, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công nhận Vùng thông minh Bình Dương trong top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021.